Người ta bắt đầu chuyền tay nhau những hình ảnh cây cối bị chặt phá trong Thảo cầm viên Sài Gòn. Thành phố lại sắp sửa chuyển mình, đi vào vùng trơ trắng.
Ngày xưa ông bà ta có câu tấc đất tấc vàng, ngày nay còn có câu khác nữa, là tấc đất tấc quyền. Người ta nhìn thấy trong từng phân vuông một trên nền thành phố này, các quyền được khai phá, khai thác, ghi dấu cá nhân vào trong lịch sử mấy trăm năm của nó. Bởi vì ước mơ là một quyền cơ bản của con người, cho thấy sự tiến bộ của toàn thể nhân loại, nên bất kì một ai, cũng đều có được cái quyền muốn người ta ca ngợi. Độ chục năm sau, báo chí sẽ nhắc tới ông Bờ Văn Cờ hay bà Kê Thị Lờ nào đó, là tác giả, là chỉ huy chính, là nhạc trưởng, là tổng công trình sư của một thành phố hiện đại, văn minh và hết mực hào nhoáng. Đâu có lẽ nào lại không cho người khác một chút ước mơ, nhất là khi những ước mơ đó nằm trong đầu những ông sư bà sĩ thuộc giới tinh hoa của một thế hệ!
Nhưng rồi cuộc sống sẽ ra sao, khi một ngày mặt trời ló dạng, bước ra đường người ta không còn thấy những tán lá lao xao của cây dầu, cây sao? Chủ nhật đều đặn cha mẹ con cái phải chăng sẽ được ngồi trên những tuyến metro để đi ra công viên ngoại thành hưởng bầu không khí trong lành bổ phổi? Có lẽ chúng ta phải chờ đợi thật rồi, lên sẵn tâm lí cho một sự chờ đợi dài lâu để xem thành phố chuyển mình sâu sắc.
Bao nhiêu năm qua, người ta thấy thành phố mở rộng không tưởng. Diện tích tăng, dân số nhảy vọt. Đi ra đường không hiểu phải hỏi ai vì đâu mà người và xe đông thế... Đó có vẻ như là một quá trình giải trung tâm hóa, khi người giàu rủ nhau ra ngoại thành, tìm cuộc sống yên ấm bên trong những lớp gác chắn có bảo vệ, camera cùng chung cư cao cấp hay biệt thự. Nhưng những người đó vẫn phải bò vô trung tâm mỗi sáng, để có một cuộc sống đô thị, thực hành nếp sống thị thành chen chúc không thể rũ sạch. Sáng kẹt xe, chiều kẹt xe. Giải trung tâm thất bại, hay đúng hơn là thất bại theo cách người ta lập kế hoạch, mong muốn một thành phố bớt chật chội, bớt căng thẳng. Con quỷ nhây nhớp khổng lồ sẵn sàng vỡ vụn đã vươn những cái vòi của nó về phương Nam, trên một nền đất trũng vốn ngập nước, vươn lên phía Đông Bắc bằng những mạch máu dài ngoằng nhiễm bệnh, tìm ra rìa phía Bắc của cơ thể nó để tống khứ chất thải và ô nhiễm... Chỉ cần nó cố gắng đứng lên, mọi thứ sẽ bục xì nổ tung không còn gì cả.
Ngay những giây phút đó, có một diễn biến khác đang xảy ra, một quá trình phá bỏ trung tâm thật sự.
'Đây là sự phá bỏ, chứ không phải giải thể và tái lập. Đây là sự phá bỏ, chứ không phải giải thể và tái lập...'
Một âm thanh cảnh báo vang lên, lẫn vào tiếng động cơ, tiếng cười nói, tiếng xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chữa cháy cùng hàng vạn tạp âm khác. Không ai để ý, không ai nhận ra, người ta bỏ qua...
Đó là sự giải thể về văn hóa, về truyền thống, về giáo dục, giải thể cái tinh thần của xã hội.
Trở lại câu chuyện Thảo cầm viên Sài Gòn, tương lai đây, không hiểu người ta sẽ giới thiệu những gì khi vườn cây tuyệt diệu vùng nhiệt đới này dời sang nơi khác? Ắt hẳn người ta không thể bảo rằng vườn cây mới nằm trong quy hoạch thành phố từ ngày đầu, khi mà những gốc cây cổ thụ từ cánh rừng nguyên sinh được tính toán giữ lại trong quá trình xây dựng. Người ta cũng không thể dạy bảo con cháu tí gì về lịch sử khi không có trước mặt một hiện vật sống động. Hay bởi sử giấy nghe đỡ lợm giọng hơn sử thật? Vườn cây mới, làm sao có thể gắn kết lịch sử với hiện tại, thiên nhiên với con người một cách hoàn hảo như Thảo cầm viên Sài Gòn đã làm? Chẳng có lẽ nào cho thuật hùng biện thắng mãi. Một không gian bị giải tỏa, một chức năng bị bỏ phế. Thành phố này đã có một Suối Tiên kệch cỡm, một Đầm Sen lộn xộn và cả tá thứ vườn cây lố nhố mà mỗi lần viếng thăm là mỗi lần vật lộn. Thêm một cũng chẳng sao, còn bớt một thì thật là náo nhiệt.
Nhưng Thảo cầm viên không phải chỉ là vấn đề liên quan đến một cái vườn cây. Nó nhắc cho ta nhớ về tự nhiên, về sự tự nhiên hóa của những thứ nhân tạo. Có bao nhiêu người, rồi đây, sẽ còn nhớ sự xâm lấn của cây cối trên mái nhiều chung cư cũ? Chúng đang cố nhắc nhở chúng ta: thiên nhiên ở rất gần, thiên nhiên sẵn sàng nuốt trọn ổ bầy hầy của loài người, nhắc nhở về một xứ mưa nhiệt đới với lịch sử thuộc địa gian lao và anh hùng. Không biết bao nhiêu cư dân của thành phố này có nợ máu với lịch sử đến độ phải xóa cho kì sạch từng dấu tích nhỏ nhất? Nhất là khi đó là quá khứ mà chiến thắng thuộc về chúng ta, chiến thắng mà chúng ta cần phải giáo dục các thế hệ sau nữa. Người ta đập bỏ một Eden hài hòa, trầm mặc trong cảnh vật để rước lấy một tòa nhà thô thiển, chói chang, nhớp nhóa với những cánh cửa sơn nhũ như đồ giả còn kính màu thì như nhựa tổng hợp. Nhìn nó trong không gian chung quanh thật phải thốt lên rằng chẳng tự nhiên tí nào cả!
Tuy vậy, một thứ xảy đến ra rất tự nhiên, đó là quy mô của dòng người lui tới. Trung tâm thành phố được thêm cơ hội đông đúc, cả đêm lẫn ngày, không một giây ngơi nghỉ.
Tại sao lại phải nói nhiều về thiên nhiên vậy? Vì người ta đang phá hoại những thứ rất tốt trước khi người ta nhận ra. Khi theo xe xuôi từ cao nguyên phía Tây xuống đồng bằng, để về thành phố, có thể thấy một cảnh tượng ngoạn mục, hơn tất cả núi đồi, suối đèo, hơn cả sự cải tạo vĩ đại của con người đối với thiên nhiên. Đó là sự thay thế những cánh rừng lá kim trên cao nguyên bằng những tán lá của cây dầu và nhiều loài cây lá rộng miền đồng bằng. Đó là cảm giác về nhà, trở về nơi ấm áp, yên bình đầy yêu thương. Dù cho thành phố này, trong lịch sử của nó, là một nơi tiếp nhận dân cư, dung hòa mọi khác biệt, nó vẫn là một vùng đất mang đầy nét riêng, mà những người ngụ cư, những người không sống chết với nó, những người mang tuổi trẻ ập đến rồi cùng của cải theo tuổi già ra đi, không bao giờ hiểu nổi.
Có loài cây nào cao hơn, giúp sức nhiều hơn trong việc tạo hình thành phố như cây dầu, cây sao của xứ đồng bằng này? Long não? Không! Bằng lăng? Không! Xà cừ? Buồn thay, cũng không! Người ta vẫn thường nhắc lại mẫu hình phương Tây rồi cho rằng thành phố này chỉ là thứ sao chép. Nhưng chính những hàng cây con con mới trồng kia nhòm mới thật giống đồ chơi làm sao... Một thứ thẩm mĩ mới chăng? Nhưng rời xa thiên nhiên quá, lạ quá, thiếu hiểu biết quá! Đi khắp các tuyến đường, mới thấy rõ cảnh tượng thành phố đang vật lộn để giữ lại cảnh quan tự nhiên, trạng thái bản xứ của nó. Chân thật và hiền hòa che chở những cuộc đời nhỏ bé.
Vậy là chúng ta đang sống những giây phút cuối cùng của một thành phố phi tự nhiên, được cứu rỗi bởi cái vườn thiên nhiên sắp bị phá. Hãy làm ơn tiếc nuối. Hãy làm ơn hối lỗi. Nhưng việc chuộc lỗi không phải là quy hoạch mọi thứ lại từ đầu, không phải là giương cao ngọn cờ 'Phát triển'. Nếu ngành quy hoạch không làm nổi, thì đó là một nỗi nhục nhã chưa từng có. Mà nếu như vậy thật, có lẽ cũng cần lật lại lịch sử, dù có đau đớn, để tìm cho rõ danh tính, nguồn gốc của những kẻ tay nghề thấp, chân leo cao phải chịu trách nhiệm tạo ra ngày hôm nay, thích vào trang thời gian những lời phê bình đắng chát nhất.
Có thế có, mà cũng có thể không, tương lai của chúng ta, một thành phố trắng về văn hóa, về lịch sử, về giáo dục, về những gì quý báu nhất. Phát triển như vậy là hoàn tất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét